Tiềm Ẩn Nhiều Nguy Cơ Mất Tiền, Mất Dữ Liệu Từ Các Ứng Dụng Hẹn Hò

“Tìm bạn gái trong vòng một tuần”

Lời hứa đó xuất hiện trên dòng thời gian Facebook của anh Raju Ansari, một chủ cửa hàng ở Delhi, Ấn Độ. Bấm vào nút tải xuống, Ansari được đưa đến gian hàng ứng dụng Play Store của Google, nơi ứng dụng hẹn hò mang tên L’amour đang chờ đợi anh mắc bẫy.

Với điểm xếp hạng 4,2+ cùng 10 triệu lượt tải xuống, đứng vị trí thứ 6 trong số các ứng dụng có doanh thu cao nhất, ứng dụng này quả là nơi “xứng đáng” để Ansari đặt niềm tin. Ngay sau khi hoàn tất các bước đăng ký, hàng loạt tin nhắn của phụ nữ bắt đầu kéo về điện thoại của Ansari.

“Tôi chưa bao giờ trò chuyện với ai trên ứng dụng hẹn hò trước đây”

“Bạn có phải người tôi tìm kiếm?”

“Nói gì đó đi”

Ansari cố gắng trả lời, nhưng L’amour cần anh chàng này bỏ ra 2,7 USD để mở khóa chức năng trò chuyện cũng như trở thành thành viên trả phí. Ansari không ngần ngại làm điều đó. Tuy nhiên, số lượng tin nhắn sau này đã không còn nhiều như trước, bù lại, chúng ngập tràn các cuộc gọi thoại và video của phụ nữ.

“Ayesha rất quan tâm và cô ấy muốn nói chuyện với bạn”

“Mia đang gọi, đừng bỏ lỡ cô ấy”

Mặc dù đã mở khóa mọi chức năng trò chuyện, L’amour vẫn cần Ansari bỏ ra thêm 4,75 USD nữa để nhận được cuộc gọi trên ứng dụng. Cảm thấy không ổn, anh chàng bắt đầu tìm kiếm những bài đánh giá về ứng dụng hẹn hò L’amour.

“Đây hoàn toàn là ứng dụng giả mạo. Các cô gái không cài đặt ứng dụng này hay có bất kỳ tư cách thành viên nào. Họ đều là hồ sơ giả mạo bởi máy tính, đừng cài đặt ứng dụng này mà hãy báo cáo lên Play Store”, tài khoản Cristiano Arjun cảnh báo trên Facebook.

“Google, hãy để mắt đến ứng dụng L’amour. Đây hoàn toàn là ứng dụng giả mạo. Nó chỉ ăn tiền của mọi người bằng cách nhân danh tình yêu. Hãy nó xóa khỏi Play Store”, một lời cảnh báo khác xuất hiện trên Twitter.

Theo Sensor Tower, L’amour là ứng dụng hẹn hò được tải xuống nhiều nhất ở Ấn Độ vào năm 2019. Tuy mới chỉ hoạt động trong vòng 6 tháng, ứng dụng này đã có 14 triệu người dùng cài đặt, gần như gấp đôi con số mà Tinder có được cùng kỳ.

Phần lớn người dùng là nam giới và đều có trải nghiệm tương tự. Những bức ảnh cá nhân của tài khoản nữ nhắn đến thường là giả và bị lấy cắp ở đâu đó. Thậm chí theo báo cáo của Quartz, những phụ nữ xuất hiện trong các cuộc gọi âm thanh hoặc video đều được L’amour trả tiền để lôi kéo người dùng khác mua kim cương, đơn vị tiền tệ trong ứng dụng.

Asia Innovations Group là đơn vị đứng sau L’amour, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh một mực phủ nhận sự hiện diện của chat bot (tác vụ trò chuyện tự động) và việc thuê phụ nữ lôi kéo người dùng nam giới.

Cái bẫy dành cho con mồi “cả tin”

L’amour không phải ứng dụng duy nhất đang cố gắng khai thác một thị trường “béo bở” tại Ấn Độ. Thị trường hẹn hò của quốc gia này tràn ngập các ứng dụng yêu cầu người dùng trả phí. Hầu hết chúng được sở hữu và điều hành bởi công ty Trung Quốc.

“Những ứng dụng săn mồi này chiếm lĩnh khoảng giữa của thị trường hôn nhân và khiêu dâm”, nhà nhân chủng học kỹ thuật số Payal Arora, Giáo sư tại Đại học Erasmus Rotterdam cho biết.

Vào tháng 1, có đến 14 trên 20 ứng dụng có doanh thu cao nhất trong gian hàng Play Store cung cấp tính năng hẹn hò và trò chuyện. Mỗi ứng dụng đều dùng mô hình tính phí cho từng giây phút người dùng tìm kiếm mối quan hệ. Họ càng bỏ ra nhiều thời gian, cơ hội ứng dụng kiếm tiền từ đó càng tăng cao.

Năm 2018, AIG gia nhập thị trường Ấn Độ và cho ra mắt L’amour một năm sau đó. Tuy nhiên, AIG ủy quyền vào Sonacon, công ty quản lý tài năng, chịu trách nhiệm về các vấn đề tuyển dụng phụ nữ và đào tạo họ cách lôi kéo người dùng trả phí hoạt động.Chủ sở hữu của L’amour, Asia Innovations Group (AIG), được thành lập vào năm 2013 và điều hành bởi Andy Tian, một kỹ sư máy tính, cựu nhân viên Google. Cho đến nay, công ty này có 14 văn phòng ở nhiều nơi trên thế giới và được định giá hơn 290 triệu USD, theo báo cáo trên website của AIG.

Thay vì tập trung tại các thành phố cấp 1 lớn ở Ấn Độ như Mumbai và New Delhi, L’amour tập trung vào thị trường trống trải ở các đô thị loại 2,3,4,5, thậm chí làng mạc. Để tiếp cận khách hàng tiềm năng, công ty này sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội để quảng cáo cho ứng dụng. Theo dữ liệu từ Facebook, trong tuần đầu tiên của tháng 2, trang Facebook “Lamour India” có đến 1.000 quảng cáo hoạt động, chủ yếu nhắm vào nam giới.

“Bạn không có bạn gái ư? Hãy kiếm một cô ngay lúc này”, một mẫu quảng cáo viết.

Ngay cả khi bạn chưa đăng ảnh hồ sơ, sẽ vẫn có tin nhắn gửi đến khen bạn dễ thương. Thậm chí nhiều tin nhắn trong số đó cố tình “kích thích” sự tương tác của người dùng.

“Bạn có xem phim khiêu dâm không?”

“Bạn có thích tình dục không?”

“Bạn có thích ăn cay không?”

Chúng cứ lặp đi lặp lại bất kể bạn chọn cách nào để phản hồi. CEO của AIG không thừa nhận sự hiện diện của bot trên L’amour. Tian đồng thời cho biết AIG không làm việc với Sonacon nhưng đã từng tiếp xúc với công ty này trong quá khứ. Tuy nhiên, 2 cựu nhân viên của AIG ngay lập tức phản đối quan điểm của Tian.

“50% tin nhắn trên ứng dụng được gửi bởi robot. Các nhân viên Ấn Độ tạo ra thông điệp chứa nội dung hấp dẫn và gửi chúng đến Trung Quốc, nhóm sản phẩm và lập trình viên sẽ đưa chúng vào ứng dụng”, một nhân viên cũ giấu tên chia sẻ.

Theo Pawan Duggal, luật sư mạng có trụ sở tại Delhi, những hành vi gửi tin nhắn không chính đáng bởi chat bot có thể bị truy tố, phạt tù hoặc xử hành chính theo luật pháp của Ấn Độ.

Đối với những cuộc gọi thoại hoặc video, L’amour cần đến sự trợ giúp của phụ nữ thật sự. Với tư cách là một người dùng nam, phóng viên của Quartz đã bỏ ra hàng chục USD để trở thành hội viên của ứng dụng và trò chuyện với những phụ nữ trên đó. Họ chủ yếu muốn kéo dài thời gian là chính. Ngược lại, với tư cách là người dùng nữ, không một người đàn ông nào liên hệ hay phản hồi cho đến khi tài khoản được ứng dụng chấp thuận.

Mọi thứ đã thay đổi từ khi Quartz tìm thấy bài quảng cáo tuyển dụng của L’amour. Liên hệ với tư vấn viên, làm theo hướng dẫn của họ, hàng trăm hồ sơ nam giới đang hoạt động bất ngờ xuất hiện. Thay vì tìm kiếm tình yêu, công việc này yêu cầu người tham gia thực hiện càng nhiều cuộc gọi video tới đàn ông càng tốt để tích lũy điểm thưởng.

Không chỉ L’amour, nhiều cái tên nổi tiếng khác tại Ấn Độ như LivU, Hago, ParaU cũng có mô hình hoạt động tương tự.

Tiền đến từ đâu?

“Nhiệm vụ của bạn là trò chuyện với mọi người và kiếm điểm. Bạn cần thực hiện một cuộc gọi thoại trong 4 giây, chào và cắt cuộc gọi. Thực hiện một cuộc gọi video trong 4 giây và chỉ hiển thị tường nhà chứ không phải khuôn mặt bạn rồi cắt cuộc gọi. Kiếm điểm và sau đó bạn sẽ đổi được ra tiền”, quảng cáo tuyển dụng được đăng bởi Jagdish Lilar, một đại lý tuyển dụng độc lập cho các ứng dụng hẹn hò.

Cựu nhân viên AIG cho biết có hàng trăm đơn vị quản lý công việc này. Mỗi đơn vị có ít nhất 500 phụ nữ làm việc. Theo tài khoản có biệt danh Ruhi, cô đã từng hoạt động trên L’amour cho đến khi chuyển sang Yaar, một ứng dụng hẹn hò khác của Hong Kong. Để nhận được mức lương hàng tháng khoảng 1.300 USD, Ruhi cần có ít nhất 4.200 cuộc gọi video trong 15 ngày.

Quá trình làm việc rất đơn giản, người tham gia có thể sử dụng tên giả, sau đó tải lên 6 bức ảnh giả mạo bất kỳ từ cùng một người. Nhiều tài khoản còn sử dụng ảnh của các diễn viên, người nổi tiếng làm ảnh đại diện. Trong khi phụ nữ được trả từ 0,03-0,05 USD để trò chuyện video, thì nam giới phải bỏ ra nhiều hơn đáng kể, thậm chí lên tới 1 USD/phút trên L’amour. Về cơ bản, phụ nữ kiếm được ít hơn 5% số tiền mà đàn ông chi trả để nói chuyện với họ.

Mô hình tài chính này sẽ không thể thành công nếu thiếu đi trải nghiệm thanh toán dễ dàng. Vì vậy, các công ty Trung Quốc đã thiết lập một loạt cổng thanh toán để có thể dễ dàng tiếp cận những thị trường khác nhau.

Mỗi khi một người đàn ông thanh toán trên L’amour, nó sẽ đi qua một cổng có tên DokyPay, thuộc công ty mẹ LinkYun Technology. Gần 80 trong số 200 nhân viên của LinkYun làm việc tại trụ sở Gurugram, Ấn Độ. Số còn lại nằm rải rác ở Singapore, Indonesia, Malaysia, Pakistan, Saudi Arabia và Việt Nam.

Theo dữ liệu của Sensor Tower, từ tháng 6/2019-1/2020, L’amour đã kiếm được gần 1 triệu USD nhờ thị trường Ấn Độ.

Đã có không ít lời cảnh báo

“Các bạn, đừng trả bất kỳ khoản tiền nào cho ứng dụng này vì nó là giả. Ngay cả khi bạn trả tiền, không có gì đảm bảo rằng bạn có thể gửi tin nhắn hoặc gọi video. Đây là một ứng dụng hẹn hò gian lận”, một YouTuber chia sẻ lên video cảnh báo ứng dụng L’amour hiện có 1,2 triệu lượt xem của mình.

Một nhân viên của công ty cho biết 30 trong số 50 nhân viên của ứng dụng hẹn hò L’amour làm việc tại Gurugram thuộc nhóm hỗ trợ khách hàng. Họ ngồi trong một văn phòng riêng biệt suốt ngày đêm và phải giải quyết 1.500-2.000 đơn khiếu nại mỗi ngày.

Tại sao với lượng người phàn nàn lớn đến như vậy, L’amour vẫn có điểm đánh giá lên tới 4,2+?

Tất cả nhờ vào Mukesh (nhân vật đã được thay đổi tên), một sinh viên đại học hiện điều hành dịch vụ quản lý đánh giá. Mukesh tuyên bố đang sở hữu mạng lưới hơn 6.000 người tham gia giả mạo đánh giá. Không chỉ có nhiệm vụ “rate sao”, nhóm của anh còn viết lời bình luận trên gian hàng của ứng dụng. Mỗi bài đánh giá sẽ có giá 0,2 USD, Mukesh cũng cam kết một nửa số bài đánh giá sử dụng ID mang tên phụ nữ nhằm tăng sự tin cậy.

Trong quá khứ, cụ thể vào cuối năm 2018, ứng dụng hẹn hò có hành vi gian lận như Match.com, công ty mẹ của Tinder và OKCupid, đã bị các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Mỹ đệ đơn kiện.

“Các dịch vụ hẹn hò trực tuyến không nên sử dụng những kẻ lừa đảo như một cách để củng cố lợi nhuận”, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ FTC cho biết.

Hay tại Trung Quốc, các ứng dụng hẹn hò do 21 công ty nước này điều hành đã bị bắt đóng cửa cùng 600 nghi phạm vào tháng 1/2018. Những cá nhân và tổ chức tham gia chịu cáo buộc có liên quan đến đường dây lừa đảo người dùng số tiền hơn 150 triệu USD.

Nguồn: Zing New

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *