Để “tàu 67” vươn khơi, bám biển

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (viết tắt là NĐ 67), đã góp phần tích cực phát triển nghề thủy sản, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển, đáp ứng nguyện vọng bám biển sản xuất của ngư dân. Tuy nhiên, tại một số địa phương đang bộc lộ những vấn đề bất cập khiến một số tàu đóng theo NĐ 67 đang có nguy cơ “mắc cạn”.

tin-tuc-reddragon

Gặp chúng tôi tại cảng cá Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) sau chuyến đi biển dài 12 ngày tại ngư trường nam vịnh Bắc Bộ, ông Ðồng Xuân Thảo, chủ tàu gỗ TH 93899 đóng theo NÐ 67, than thở: Cả chuyến tàu chỉ đánh được năm tấn cá con, năm tạ cá nục và ba tạ mực; đạt tổng doanh thu tầm 70 đến 80 triệu đồng, trong khi chi phí cho chuyến đi bao gồm tiền dầu, tiền công cho hơn 10 lao động và các chi phí khác đã ngót nghét 150 triệu đồng.

Tại cảng cá Lạch Vạn, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An), ông Ngô Túy Ðông, là người dũng cảm vay ngân hàng 20 tỷ đồng để đầu tư tàu sắt mang số hiệu NA 99991 có công suất 829 CV trị giá hơn 22 tỷ đồng cho biết: Khi ngư trường còn sầm uất, tàu của ông chuyên đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến biển cũng lãi được 200 đến 300 triệu đồng. Nhưng từ cuối năm 2018, nhất là từ đầu năm 2019 trở lại đây, thuyền khai thác đi thường xuyên bị lỗ, ông đành bỏ nghề, chuyển đổi sang làm tàu cung cấp dịch vụ hậu cần khép kín cho đội tàu đi biển, từ xăng dầu, lương thực, thực phẩm và thu mua luôn hải sản đánh bắt được để mang vào bờ chế biến.

Một thực tế khác là khi các tàu đánh bắt khó khăn thì hoạt động của các tàu hậu cần cũng im ắng và heo hút theo. Nhưng tàu không thể nằm bờ cho nên các chủ tàu vẫn phải chạy để vừa có tiền trả lương cho nhân công, vừa giúp tàu không bị hỏng hóc, gỉ sét… Và đương nhiên, càng chạy, càng lỗ. Theo tính toán của ông Ðông, chủ tàu NA 99991, trong vòng 6 tháng từ tháng 10-2018 đến tháng 3-2019, ông lỗ khoảng hai tỷ đồng. Nợ ngân hàng trở thành gánh nặng khi trong hai năm 2018 và 2019, ông chỉ trả nợ cho ngân hàng được khoảng một tỷ đồng, bao gồm cả nợ gốc và lãi trong tổng số 20 tỷ đồng vay…

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện NÐ 67 các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa thì sau 5 năm thực hiện chương trình: Nghệ An đóng mới được 104 tàu, Thanh Hóa đóng mới 58 tàu các loại. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế tại các địa phương nêu trên, số tàu hoạt động không hiệu quả, thậm chí thua lỗ là khá cao. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết: Số tàu cá hoạt động có hiệu quả, trả gốc/lãi đúng cam kết là 57 tàu, dư nợ 361,5 tỷ đồng; 45 tàu cá hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả được nợ gốc/lãi theo cam kết, dư nợ 372,23 tỷ đồng. Tại tỉnh Thanh Hóa, trong tổng số 58 tàu có tới 26 tàu báo lỗ và chỉ có hai tàu hoạt động có lãi.

Một số nguyên nhân dẫn đến quá trình làm ăn thua lỗ của các tàu 67. Trước hết về mặt khách quan, ngư trường đánh bắt (Hoàng Sa, nam vịnh Bắc Bộ, vịnh Bắc Bộ) ngày một cạn kiệt, thời tiết diễn biến bất thường, sản phẩm chủ yếu có giá trị kinh tế không cao. Mặt khác, giá nhiên liệu không ổn định, giá dầu luôn ở mức cao làm tăng chi phí đánh bắt. Thời gian đầu, một số chủ tàu thép khi mới đưa tàu vào khai thác thì một số bộ phận gặp trục trặc, sau đó các chủ tàu đã phối hợp các cơ sở đóng tàu để khắc phục nhưng vừa tốn thời gian, vừa tốn thêm kinh phí cho nên hoạt động khai thác chưa hiệu quả. Nguồn lao động trực tiếp tham gia khai thác hải sản ngày càng thiếu do thu nhập không đều, công việc đặc thù tiềm ẩn nhiều rủi ro; thiếu đội ngũ thuyền viên có chứng chỉ vận hành theo quy định; chi phí bảo hiểm thân tàu lớn cho nên nhiều tàu chưa tiếp cận được.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cảng cá chưa đáp ứng kịp thời xu thế phát triển tàu thuyền có công suất, chiều dài lớn. Mặt khác, một số hạng mục thiếu đầu tư như hệ thống nước thải, hệ thống bơm nước, mái che cầu cảng, nhà phân loại, nhà điều hành, luồng lạch chạy tàu, thường xuyên bị bồi lắng do hằng năm mưa, lũ thượng nguồn đổ về đã làm ảnh hưởng thời gian tàu cá ra vào cảng. Cảng trưởng Cảng cá Lạch Vạn (xã Diễn Ngọc, Diễn Châu) Ngô Văn Thủy cho biết, mặc dù cảng quản lý tới 107 tàu dưới 90 CV và 31 tàu hơn 90 CV nhưng do lạch vào bị bùn đất bồi đắp cho nên hơn một năm nay, hầu hết tàu không vào được cảng gần, còn tàu lớn nhất khoảng 800 CV phải neo đậu tại cảng Cửa Lò.

Bên cạnh những tàu thật sự khó khăn, thua lỗ, một số chủ tàu cá chưa chấp hành nghĩa vụ trả nợ vốn vay cho ngân hàng kịp thời hạn, thậm chí có hiện tượng không hợp tác với ngân hàng trong khai báo thu nhập thực tế, có tư tưởng ỷ lại chính sách.

Để những con tàu 67 không trở thành những “tàu nợ xấu”, cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần tiếp tục hướng dẫn các chủ tàu cá tổ chức sản xuất trên biển theo hướng liên doanh liên kết, mở rộng ngư trường khai thác, bám biển dài ngày; thực hiện quy trình duy tu bảo dưỡng định kỳ, nhất là với tàu vỏ thép; thực hiện tốt công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá theo quy chế đăng kiểm. Cần tuyên truyền để các chủ tàu cá đóng mới theo NÐ 67 nâng cao ý thức, coi tàu là tài sản của mình, có trách nhiệm pháp lý với ngân hàng, thực hiện nghĩa vụ trả nợ vốn vay theo hợp đồng đã ký kết.

Nhiều chủ “tàu 67” cũng kiến nghị: Các ngân hàng thương mại cần tạo điều kiện để khách hàng vay vốn lưu động, tạo nguồn thu trả nợ ngân hàng; đề nghị được giãn nợ, tăng thời gian vay lên ít nhất 5 năm, như tàu vỏ gỗ tăng từ 11 lên 16 năm và tàu vỏ thép tăng từ 16 lên 21 năm để họ có thêm thời gian cơ cấu, chuyển đổi sản xuất phù hợp, có nguồn lực đủ mạnh để sản xuất, kinh doanh và trả được nợ.

Nguồn: Báo Nhân Dân


Công ty Cổ Phần Xây Dựng và Thương Mại Hồng Long

Reddragoncons – Đối tác tin cậy trong xây dựng cầu cảng

Trụ Sở: 81  Ngô Quyền, P. Máy Chai, Q.Ngô Quyền, Tp.Hải Phòng

Điện thoại: +84.(0)225. 3836918

Fax: +84.(0)225. 3654923

Văn phòng đại diện: 88 Đường Số 7, P. An Phú, Quận 2, TP. HCM.

Điện thoại: +84.(0)28. 39153879

Fax: +84.(0)28. 39153878

Nguồn: reddragoncons.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *